Posted: 22 Jul 2010 03:47 AM PDT "Học ngoại ngữ, nghe nhạc, đàm thoại bằng tai phone đang là mốt được giới trẻ thịnh hành. Nghe bằng tai nghe liên tục trong nhiều giờ với cường độ âm thanh lớn là nguyên nhân gây điếc ở giới trẻ thành thị", BS Lê Thị Lan, viện Tai-Mũi-Họng TƯ nhận định. Bác sĩ Lan cho biết: "Nếu như trước đây bệnh điếc chỉ biết đến ở người già thì nay bệnh đang có nguy cơ trẻ hóa ở độ tuổi 18, 20. Trong dịp hè này, trung bình mỗi ngày khoa Thính học & Phục hồi chức năng tiếp nhận 2-3 bệnh nhân ở độ tuổi này tổn thương âm thanh cấp tính (điếc do tiếng ồn, không có khả năng hồi phục)". Nghe bác sĩ thông báo mình bị tổn thương âm thanh cấp tính, cô sinh viên năm thứ 2 trường ĐH Hà Nội - N.K.L hoảng hốt giật mình. Có nằm mơ L cũng không ngờ, chính thói quen nghe nhạc bằng tai phone mà cô yêu thích lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh. Khi được hỏi, L. buồn bã tâm sự: "Lúc đầu, em chỉ nghe headphone khi luyện tiếng Anh, thời gian nghe cũng không quá 3 tiếng mỗi ngày. Về sau, em nghe nhạc và các chương trình khác nữa, dần dần thành quen nên nghe nhiều. Những lúc khó ngủ em nghe nhạc cho thư giãn rồi ngủ quên không tháo tai nghe. Gần đây tai em hay bị ù, cứ như có tiếng ve, tiếng dế kêu… Em thực sự không ngờ mình lại điếc vì nguyên nhân này". Ngồi cạnh L là T.P.T (trường THPT Ngô Quyền, TP Hải Phòng), T. có sở thích nghe nhạc khi đi xe máy và chỉ đến bác sĩ khi tai có tiếng ù lớn, kèm theo chóng mặt: "Em hay nghe nhạc khi đi xe máy, những lúc ấy em thường nghe to vì chạy ngoài đường nhiều tiếng ồn lắm, không bật to không nghe rõ. Em cũng thường nghe nhạc giải trí trước khi ngủ, có hôm cũng bị quên không tháo tai nghe". Chiều 21/7, trao đổi với Dân Trí BS Lê Thị Lan, Trưởng khoa Thính học & Phục hồi chức năng viện Tai Mũi Họng TƯ cho biết: "Nghe bằng tai nghe nhiều giờ, trong thời gian dài với cường độ âm thanh lớn khiến tế bào thần kinh trong ốc tai làm việc quá sức, gây mệt mỏi dẫn đến giảm thính lực, khả năng tiếp nhận thông tin kém". Cũng theo phân tích của bác sĩ Lan, sức nghe của tai sẽ giảm nếu phải tiếp xúc với âm thanh có cường độ 90db trở lên, trên 3 tiếng mỗi ngày, trong thời gian 1-2 năm. Đa phần các máy nghe nhạc bán trên thị trường đều có công suất cực đại đến 120db. Đáng lưu ý là bệnh nhân không cảm thấy giảm thính lực ngay lúc đó, vì quá trình này diễn tiến âm thầm phải vài năm sau mới thấy biểu hiện. Qua đây, bác sĩ cảnh báo: "Các bạn trẻ có thói quen nghe nhạc, học ngoại ngữ bằng tai phone nên nghe với cường độ âm thanh nhỏ hoặc vừa phải. Thời gian nghe chỉ 2 đến 3 tiếng/ngày, đặc biệt lưu ý không nghe nhạc bằng tai nghe khi ngủ (vì khi ngủ não bộ cần được nghỉ ngơi). Khi thấy có biểu hiện ù tai, chóng mặt, nhức đầu, hoa mắt… nên đi thăm khám ngay vì đó có thể là những biểu hiện chấn thương âm thanh cấp tính, đe doạ chức năng thính giác". | ||
Posted: 21 Jul 2010 06:31 PM PDT Viêm ống tai ngoài là bệnh hay gặp vào mùa hè ở những người đi bơi và tắm biển, đặc biệt là trẻ em, do những hạt cát nhỏ lẫn trong sóng nước, rất dễ lọt vào ống tai khi trẻ chơi đùa. Viêm ống tai không khó chữa, nhưng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu để lâu ngày. Cát lọt vào tai gây viêm Bé Thu (7 tuổi, Hà Nội) vừa đi Nha Trang về cùng gia đình thì thấy tai bị đau, ù tai và nghe kém. Khi đến bệnh viện, các bác sĩ thực hiện nội soi và phát hiện trong ống tai của bé chứa đầy cát. Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, viêm ống tai ngoài thường không gây sốt cao, nhưng bệnh nhân đau nhức dữ dội, nhất là khi nhai, ngáp. Cùng với đau tai là cảm giác đầy, bít, nút tai, thường có ù tai và nghe kém. Cấu tạo của ống tai không phải là đường thẳng mà là đường gấp khuỷu một góc 130 - 145 độ, sâu, nên dễ đọng các chất bẩn, khi gặp nước cộng với các bụi bẩn như cát thì rất dễ gây nhiễm trùng ống tai. Lớp da ở tai của trẻ lại mỏng, kề ngay bên dưới là xương nên khi bị sưng lên sẽ ép vào da và xương, gây đau tai dữ dội kèm sốt. Vị trí này lại gần đầu nên có thể gây ra đau đầu.
Không tự ý vệ sinh Theo tiến sĩ Dinh, viêm ống tai thực chất là tình trạng viêm trầy xước trong tai, nhưng nếu không điều trị thì trở thành nhọt, tạo thành áp xe, càng ngày càng thít chặt ống tai, ảnh hưởng đến thính lực. Nguy hiểm hơn, nếu tình trạng viêm kéo dài mà không được điều trị có thể dẫn đến nhiễm trùng lan tỏa, gây viêm sụn vành tai. Khi trẻ bị viêm ống tai, bố mẹ phải đưa đến bệnh viện để bác sĩ nội soi và hút sạch các chất bẩn có trong tai. Sau đó các bác sĩ sẽ xử lý đặt thuốc tại chỗ viêm hoặc điều trị kháng sinh tùy mức độ viêm của tai. Tiến sĩ Dinh lưu ý: bố mẹ không nên sử dụng tăm bông để vệ sinh tai cho trẻ vì tăm bông có thể đẩy các chất bẩn vào sâu hơn. Khi lấy tăm bông lau chùi nhiều, các hạt cát trong tai có thể gây rách, trầy xước lớp da bảo vệ thành ống tai, gây nhiễm khuẩn nặng hơn. Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp bố mẹ sử dụng bông ngoáy không vệ sinh, để lâu ngày, bị mốc, vô tình gây viêm nhiễm cho các bé. Bác sĩ Loan khuyến cáo, khi cho trẻ đi biển cần có nút bảo vệ tai. Nếu có nước biển đọng trong ống tai, nên hướng dẫn bé nghiêng đầu sang một bên, day nhẹ nắp ống tai để nước lẫn cát chảy ra. Sau mỗi lần tắm biển, bố mẹ có thể vệ sinh tai bé bằng cách lấy bông sạch lau ống tai. Khi lau, chú ý kéo vành tai ra sau và lên trên để ống tai thẳng và chỉ lau nhẹ nhàng ở bên ngoài, không đưa sâu vào trong. Bố mẹ cũng có thể sử dụng các dung dịch sát khuẩn nhẹ như Betadin 10%, nước muối 0,9% thấm vào bông để lau tai cho trẻ. Khi vệ sinh cho bé, bố mẹ cần giữ tay và bông sạch. | ||
Posted: 21 Jul 2010 03:05 AM PDT Viêm tai giữa mạn tính là tình trạng tổn thương lớp niêm mạc của các bộ phận trong tai giữa gây chảy mủ tai. Bệnh xảy ra sau những đợt viêm tai giữa cấp không được chữa trị thích hợp. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn và gây nhiều khó chịu cho người bệnh vì hay tái phát, ảnh hưởng tới học tập và làm việc. Khi bị viêm tai giữa mạn, tai thường chảy mủ, mủ có thể chảy liên tục, có thể chảy từng đợt, người bệnh nghe kém. Nước chảy ra ban đầu là dịch đục không hôi. Một thời gian sau, nước chảy ra là mủ màu trắng hay vàng, có mùi rất hôi. Nếu không điều trị sớm và dứt điểm sẽ gây những biến chứng nguy hiểm như áp xe não, viêm xoang tĩnh mạch bên và viêm màng não gây nguy hiểm cho người bệnh. Viêm tai giữa mạn thường có 2 loại, viêm tai giữa mạn tính dịch nhầy và viêm tai giữa chảy mủ mạn tính. Viêm tai giữa mạn tính dịch nhầy: Với triệu chứng tai chảy dịch nhầy như dịch mũi, nếu lâu ngày không lau tai sạch và không dùng thuốc điều trị có thể thành dịch mủ. Viêm tai giữa chảy mủ mạn tính gồm: Viêm tai giữa chảy mủ mạn tính có cholesteatoma: Là loại viêm tai giữa nhiễm khuẩn thường gây tổn thương hệ thống xương con trong hòm nhĩ, phá hủy mê nhĩ và có thể gây ra các biến chứng sọ não rất nặng như: viêm tắc xoang tĩnh mạch bên, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, áp xe tiểu não... Triệu chứng, đầu tiên người bệnh nghe kém, chảy mủ tai thường xuyên, nhưng rất hôi.Viêm tai xương chũm cấp tính: Thường xảy ra sau viêm tai giữa cấp tính không được điều trị dứt điểm, dùng kháng sinh không đúng liều lượng, không phù hợp, nên gây ra biến chứng viêm tai xương chũm. Biểu hiện lâm sàng thường đau tai tăng lên kèm theo sốt, đau nửa đầu dữ dội. Soi tai thấy mủ đặc tai giữa, ấn vùng xương chũm đau. Viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm: Là đợt cấp của viêm tai xương chũm mạn tính, bệnh nhân có tiền sử viêm tai xương chũm đã được điều trị nhiều lần, tai đã khô và đỡ ù, đột ngột xuất hiện đau tai, ù tai tăng lên, nghe kém, có thể kèm theo chóng mặt, mủ tai chảy nhiều hơn kèm theo sốt cao, ấn vùng xương chũm rất đau. Trong đợt hồi viêm rất dễ xảy ra các biến chứng như: liệt mặt, viêm mê nhĩ, biến chứng sọ não - áp xe ngoài màng cứng... Điều trị viêm tai giữa mạn tính phải kiên trì, việc điều trị nội khoa cần được cân nhắc với mức độ tổn thương tai để chỉ định phù hợp. Tóm lại, việc điều trị viêm tai giữa mạn tính có đạt kết quả tốt hay không phụ thuộc chủ yếu ở người bệnh. Đặc biệt lưu ý, các thuốc uống và thuốc nhỏ tai trong điều trị viêm tai giữa mạn tính phải có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tai - mũi - họng, bởi một số thuốc nhỏ tai khi màng nhĩ thủng nếu sử dụng sẽ gây điếc tai không hồi phục, ngay cả việc sử dụng dung dịch ôxy già làm sạch mủ tai cũng cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng và cách dùng. Thường xuyên giữ vệ sinh tai, nên tránh bụi, nước bẩn vào tai và vệ sinh mũi họng. BS. Nguyễn Minh Hiệp |
You are subscribed to email updates from Tai-Mũi-Họng To stop receiving these emails, you may unsubscribe now. | Email delivery powered by Google |
Google Inc., 20 West Kinzie, Chicago IL USA 60610 |
No comments:
Post a Comment